Dreaming South Blog

Chào Anne Tóc đỏ mộng mơ

Posted on: 09.08.2010

https://i0.wp.com/nhasachtritue.com/imagedata/news/thu97754_anne_toc_do_duoi_chai_nha_xanh-anne_toc_do_duoi_chai_nha_xanh.jpg

Mình là mình yêu các tiểu thuyết cổ điển. Ôi! Chúng đều mang một nét cổ kính gì đó thật gần gũi. Mình yêu chúng. Mình yêu Ruồi trâu, mình yêu Túp lều của bác Tom, mình yêu Tom Sawyer, mình yêu Khu vườn bí mật, Gia tài vĩ đại, Hoàng tử bé… Những tác phẩm được cả thế giới công nhận, tồn tại qua hàng trăm năm, và hàng trăm hàng trăm năm nữa.

Hôm nay, mình lại yêu thêm cô bé “Anne dưới chái nhà xanh”, của nữ văn sĩ Lucy Maud Montgomery. Trước khi thấy cái bìa sách ở nhà bạn, mình không hề biết đến tiểu thuyết này, chưa từng nghe. Mới đầu mình cứ tưởng là “mái nhà xanh”, chứ “chái nhà” nghe là lạ. “Chái nhà” cũng thành từ cổ luôn rồi. Nhưng khi đọc xong, thích “chái nhà” hơn, lãng mạn hơn nhiều.

Nội dung đơn giản cực kì. Cô bé Anne tóc đỏ được nhận nuôi vào nhà hai anh em bác Cuthberth. Cô bé mồ côi, mặt đầy tàn nhang, và luôn mặc cảm về ngoại hình. Thật ra là nhầm lẫn, hai bác định tìm nuôi một cậu bé để phụ giúp việc trang trại, không may “vớ” phải cô bé này. Định bụng sáng mai đem đi đổi lại, nhưng tính cách hồn nhiên, hơi hoang dã, trí tưởng tượng phong phú, và sự khao khát tình yêu thương, khiến cho hai bác động lòng. Thế là bắt đầu cuộc sống của Anne dưới Chái nhà xanh. À, mà Anne phát âm có chữ “e” đấy nhé.

Anne có cái tật khó bỏ là nói luyên thuyên không dứt, và dùng từ ngữ đao to búa lớn. Cô bé thích nói, và có thể nói hoài không dứt. Anne còn có một trí tưởng tượng tuyệt vời, một thế giới riêng. Chính nhờ điều đó mà Anne luôn yêu đời, luôn đứng vững trong những hoàn cảnh khó khăn thời thơ ấu. Khi gặp một việc đau buồn, cô bé sẽ tưởng tượng ra những điều tốt đẹp và hoàn toàn chìm đắm vào đó. Anne từng có hai người bạn vô hình là cô bé Katie Gương và Viioletta Tiếng Vang.

https://i0.wp.com/a9.vietbao.vn/images/vn901/van-hoa/11169694-1-Dieu_ki_dieu_tu_Chai_Nha_Xanh.JPG

Cả quyển sách cũng là một thế giới tưởng tượng tuyệt đẹp. Chái nhà xanh qua đôi mắt của Anne trở thành thiên đường. Cô bé đặt tên cho tất cả những tạo vật mình gặp và trò chuyện với chúng. Đại lộ trên đường về trở thành Đường Trắng Hân Hoan, Hồ Barry được đặt thành Hồ Nước Lấp Lánh, Anne gọi cây phong lữ là Bonny và cây anh đào là Nữ Hoàng Tuyết. Tất nhiên, không phải bao giờ trí tưởng tượng cũng tốt. Có lần Anne tưởng tượng ra khu rừng Ma Ám và sợ chết khiếp khi phải đi ngang qua khu rừng ấy. Cùng với Diana (cô bạn thật sự đầu tiên của Anne), hai đứa trẻ trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Cho đến lúc thành những thiếu nữ xinh đẹp.

Những bài học giản dị lồng ghép trong từng chương truyện, được đặt tên theo nội dung chương đó. Bài học về phép xử sự, về giận hờn, yêu, ghét, xin lỗi. Bài học về tình bạn, về sự chăm chỉ và cố gắng. Những mẫu chuyện đơn giản mà tác động mạnh mẽ. Như đầu truyện, bà Rachel hàng xóm thẳng tính chê bai ngoại hình cô bé, và Anne lập tức phản ứng. Sau khi “đấu tranh nội tâm” để đi xin lỗi bà ấy, Anne thấy nhẹ nhõm hơn. Bà Rachel thì rút lại những lời đã nói và khen cô bé. Thế đấy, chỉ một lời xin lỗi và mọi chuyện đều tốt đẹp. Nhưng có phải dễ dàng đâu, có mấy ai chịu từ bỏ sự tự tôn để chấp nhận sai trái?

Điều tuyệt vời nhất mà Anne mang lại cho mình, chính là tình yêu cuộc sống nồng nàn và sáng trong của cô bé. Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm, và phải sống khổ sở từ bé, nên Anne nâng niu từng phút giây hạnh phúc, nâng niu từng cảnh vật, và thích thú trước mọi thứ. Bà Marrila Cuthberth thì nhận xét: “Con bé luôn hạnh phúc gấp ba người thường, và cũng đau khổ gấp ba người thường”. Anne hân hoan khi gặp một người ban tâm giao, háo hức tột cùng được đi cắm trại, đi hòa nhạc, được mặc áo đẹp, ăn ngon… Cô bé cũng hạnh phúc khi nhìn ngắm những cảnh đẹp xung quanh mình, mỗi sự thay đổi của tự nhiên, giao mùa, chiếc lá phong rụng, hay chỉ là từ ngày sang đêm, từ đêm sang ngày, Anne đều thấy thật kì diệu và đáng quí. Thật đáng yêu làm sao!

Nhìn lại mình, từ bao giờ mình đánh mất sự háo hức khi một ngày mới đến? Và tình yêu dành cho tất cả những việc mình làm? Hạnh phúc hay đau khổ còn phụ thuộc nhiều vào đôi mắt người nhìn, và tâm hồn người đó. Không vui sao khi luôn bị thu hút trước mọi điều, và tận hưởng mọi điều bằng hết trái tim, như Anne. Có lẽ đó là điều chỉ xảy ra ở thế giới trẻ thơ, nơi người ta buồn bã vì bị cấm cửa đi chơi, chứ không tự nhiên lo lắng về tương lai, và những muộn phiền vô cớ. Với Anne, được học tập, được cố gắng, được đặt những mục tiêu cũng là hạnh phúc. Và khi ước mơ tan vỡ, cô bé không hề thất vọng về quyết định của mình, vì Anne vẫn còn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.

Đọc truyện, mình nhận ra nhiều điều lắm. Hầu hết là những điều ai cũng biết, mình có lẽ cũng biết, nhưng đã lãng quên từ lâu rồi. Không có một con người già cỗi, chỉ có một tâm hồn già cỗi. Rằng người ta sẽ phí phạm cuộc sống đến mức nào nếu không thể tìm thấy niềm vui từ những điều bình dị nhất, rằng cuộc sống luôn tuyệt đẹp, và luôn có những điều mới mẻ để ta khám phá.

Quyển sách được xuất bản từ năm 1908, nhưng thời gian không làm phai màu những giá trị nhân văn sâu sắc. Đơn giản ai cũng từng có một tuổi thơ, cũng bắt đầu với những lầm lỗi, và cảm xúc trong veo về cuộc sống. Chừng nào người ta còn biết rung động bằng con tim, thì “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” còn hấp dẫn và bổ ích. Tiểu thuyết được Mark Twain khen tặng: “Là cuốn sách thiếu nhi dễ thương nhất, thắm đượm tình cảm nhất”. Cảm động và giàu chất thơ.


Bình luận về bài viết này

Top Rated